Sáng 6-4, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2024), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức chương trình "Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ".

Những chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa về dự buổi gặp mặt

Dự buổi gặp có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa cùng hơn 800 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng thân nhân các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được xem những tiết mục văn nghệ đặc sắc của quân và dân ta trong những ngày tháng khoét núi, ngủ hầm, mưa rừng, cơm vắt vì nền độc lập cho dân tộc; được nghe các cựu binh Điện Biên Phủ ôn lại những ký ức hào hùng không thể nào quên.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đọc diễn văn tại buổi gặp mặt

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; tiếp tục xây dựng và tăng cường niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Với vị trí điểm đầu vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa là nhịp cầu nối giữa chiến trường Bắc Bộ và Bình - Trị - Thiên, là địa bàn tiếp giáp với Tây Bắc, Thượng Lào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của chiến dịch.

Các tiết mục nghệ thuật tại lễ gặp mặt

"Mặc dù đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần "cả nước cùng ra trận", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", theo lời kêu gọi của Đảng và Mặt trận Liên Việt, trong 3 đợt phục vụ chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động 200.000 dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ôtô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại… phục vụ chiến dịch"- Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ôn lại.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, dù Điện Biên Phủ nằm ở xa hậu phương, địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt, nhưng không ngăn được từng đoàn dân công nối nhau từ miền Tây Thanh Hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, bí mật đưa hàng tới đích an toàn.

Tái hiện hình ảnh những chiếc xe thồ của quân dân Thanh Hóa băng rừng, vượt suối về Điện Biên năm xưa

Trong những ngày tháng ác liệt ấy, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng như: chiến sĩ Đới Sỹ Trầu (quê huyện Quảng Xương), liên tục gánh đôi bồ nặng 60 kg, dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch; các chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc - quê thị xã Thanh Hóa - đã đạt kỷ lục thồ từ 160 kg lên 195 kg, rồi trên 300 kg mỗi chuyến…

Phát huy sức mạnh Điện Biên Phủ

Tiếp nối và phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần "không có gì quý hơn độc lập, tự do", quân và dân các tỉnh khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa chi viện kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những người lính năm xưa giờ đều ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn sống mãi trong họ, không bao giờ quên

Trong công cuộc đổi mới, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam; sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ vậy, Thanh Hóa đã trở thành nền kinh tế lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ và hướng tới mục tiêu trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa.